Phân Tích Người Đàn Ông Làng Chài Tác Phẩm Chiếc Thuyền Ngoài Xa

 Nguyễn Minh Châu là ngọn cờ đầu trong phong trào đổi mới văn học giai đoạn đổi mới, đánh giá về vai trò của Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nguyên Ngọc đã từng nhận định “Nguyễn Minh Chây thuộc số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của nền văn học ta hiện nay”. Đứng trước nhu cầu đổi mới văn học, ông không chỉ chuyển hướng từ khuynh hướng sử thi sang đời sống thế sự với bao bộn bề của cuộc sống, tầm vóc tư tưởng và tấm lòng nhân văn cao cả của Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn này thể hiện rõ nét thông qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”.


Người đàn ông làng chài
Người đàn ông làng chài trong chiếc thuyền ngoài xa


Đọc “Chiếc thuyền ngoài xa” bên cạnh nhân vật tư tưởng Phùng – người truyền tải những thông điệp, quan niệm về cuộc sống và nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, đồng cảm, trân trọng với những giá trị tốt đẹp của người đàn bà thì nhân vật người đàn ông hàng chài, người gây nên bi kịch bạo lực gia đình cũng là nhân vật đáng chú ý, mang đến cho độc giả những suy tư, những cảm xúc phức tạp.

Người đàn ông hàng chài không được miêu tả trực tiếp mà xuất hiện qua đôi mắt của nhiếp ảnh gia Phùng khi chứng kiến cảnh người đàn ông ấy đánh vợ tàn bạo, và lần thứ hai xuất hiện là trong câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện.

Người đàn ông hàng chài theo lời kể của người đàn bà hàng chài vốn là “anh con trai cục tính nhưng hiền lắm”. Khi còn trẻ người đàn ông này đã không đi lính và trốn quân dịch nên cuộc sống của anh ta nghèo khổ, túng quẫn. Tuy cục tính nhưng người đàn ông ấy cũng là người giàu tình thương khi chấp nhận cưu mang người đàn bà trong lúc chị ta khốn khổ nhất. Khi ấy người đàn ông là mẫu người chồng lí tưởng, không bao giờ đánh vợ cũng không biết uống rượu, không biết hút thuốc. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn với những gánh nặng gia đình đã khiến cho người đàn ông ấy thay đổi tâm tính, từ người đàn ông hiền lành hắn trở nên vũ phu, bạo lực với chính người vợ đầu gối tay ấp của mình.

Thông qua cái nhìn và những đánh giá của nhân vật Phùng về người đàn ông, ta có thể cảm nhận được về hoàn cảnh đói nghèo của gia đình hàng chài. Đó là người đàn ông cao lớn, thô kệch với tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền, “mái tóc tổ quạ”, “chân đi chữ bát”, “hai con mắt độc dữ”…Cái đói khèo, lam lũ của cuộc sống đã in hằn lên dáng vẻ của người đàn ông ấy. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt đã làm cho ông ta thay đổi tâm tính để trở thành kẻ vũ phu, tàn độc lấy việc đánh vợ ra để giải tỏa những bức bối, ức chế trong lòng mình.

Người đàn ông đối xử với vợ tàn nhẫn vô tình với những trận đòn roi vô lí “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, cách ông ta đối xử với vợ của mình hệt như cách đối xử với với kẻ thù, người gây ra mọi đau khổ của mình. Sự tàn nhẫn của ông ta thể hiện trực tiếp thông qua lời nói cục cằn, hung dữ “Cứ ngồi yên đấy. Động đậy tao giết cả mày bây giờ”. Từ lời quát tháo của người đàn ông ta có thể thấy được đây là một kẻ gia trưởng, độc tài tự cho mình cái quyền hành hạ, lăng mạ người khác.

Không chỉ khắc nghiệt trong lời nói, thái độ mà hành động đánh vợ của ông ta cũng có thể gây nên những phấn nộ, bất bình “lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa…chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy quật tới tấp vào lưng người đàn bà”. Sự tàn độc của người đàn ông không phỉa thỉnh thoảng mới xảy ra mà nó diễn ra một cách thường xuyên, đều đặn “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.

Không chỉ đối xử tàn nhẫn với vợ mà người đàn ông ấy còn trút những bực dọc, ấm ức của bản thân lên chính đứa con của mình. Trước sự phản kháng của thằng Phát khi chống lại bố để bảo vệ mẹ, ông ta đã không nương tay khi giáng vào mặt đứa trẻ tội nghiệp ấy hai cái tát “..dang thẳng cánh tay cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo dúi xuống cát”. Cách ông ta đối xử với vợ con như hành động của một con thú man rợ không có tình người.

Bên cạnh mặt bạo tàn, đáng trách thì người đàn ông cũng là con người đáng thương, là nạn nhân của đói khổ. Cuộc sống tuy khắc nghiệt với bao gánh nặng nhưng người đàn ông ấy không bỏ rơi vợ con mà vẫn cố gắng chèo chống con thuyền để lo việc mưu sinh. Cái cách ông ta thở hồng hộc khi đánh vợ cùng giọng rên rỉ đau đớn có thể thấy ông ta đang rất khổ tâm, đau đớn, xót xa. Ông ta giận đời, giận vợ và có lẽ giận cả mình nữa. Ông ta đánh vợ như đánh vào cái đau khổ vô hình mà hắn ta đang phải hững chịu.

Người đàn ông hàng chài là người gây nên bi kịch gia đình cho người đàn bà hàng chài nhưng đây cũng là nhân vật đáng thương, nhân vật chủ chốt để Nguyễn Minh Châu thể hiện những quan niệm, đánh giá về cuộc đời và nghệ thuật.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét